"Nghe cái nghe của mình, thấy cái thấy của mình, nói cái của chính mình", gọi là Tự Tứ. Không thường hằng Tự Tứ thì một năm ít ra cũng phải được 1 ngày. Tôi cũng k dám nói mình thường hằng Tự Tứ nên chọn Tự Tứ vào tháng 7 và để chắc ăn nên tôi nhập thất. Do đó tháng 7 hàng năm tôi không đi xa cũng như không đi off mà chỉ tiếp bạn bè đến thăm và vài lần cà phê cóc trong xóm.
Sáng nay cà phê với Trung Thu mà giọng hơi khàn. Đùa với TT rằng "lần nào gặp TT cũng giọng hơi khàn, chắc tại hôm qua uống rượu với Lãng Tử Sàigòn và Cướp Biển nhiều quá nên khàn". Thực ra tôi biết mình khàn giọng bởi suốt đêm qua không ngủ được.
Tôi thường ít ngủ, mỗi đêm chừng 4 hoặc 5 giờ. Do đó, suốt đêm không ngủ được ắt phải có lý do. Một lý do duy nhất là có ai đó trong số người thân của tôi xảy ra chuyện. 10 ngày trước cũng tình trạng này, thì sáng sớm tên đệ tử Phan Quốc Vinh của tôi ở Nha Trang điện thoại báo rằng:
- Con đã nhập bệnh viện ung bướu nè sư phụ ơi
- Trời, sao vậy?
- Tự nhiên con bị nổi cái hạch ở cổ, bệnh viện ngoài đó chuyển vô đây nhưng từ hôm qua tới giờ còn chưa đến phiên thứ tự khám của con nữa, huhu"...
Lần này tôi không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho ai nên cứ nằm tĩnh tâm đến sáng. Lúc Trung Thu ra về thì đệ tử Thích Nữ Tịnh Duyên điện thoại báo tin thầy Lê Hoàng Chung đang hấp hối. Thế là một người bạn thân hết mực ái mộ tôi vào những ngày ông đã về chiều, một cây đa mẫu mực của xứ Phan thành, một nhạc sĩ giáo viên hiền lành thân thương của trường Phan Bội Châu, một tác giả của những bản nhạc gắn liền từng sự kiện trưởng thành của Phan Thiết... sắp sửa ra đi.
Hẳn giờ này bài hát "Tình ca Phan Thiết" của bạn tôi vẫn vô tư phát lên trên mỗi chuyến tàu sắp đỗ ga Mường Mán... và tôi, đang trong thất hồi hướng về anh.
Tôi đến thăm bạn năm 2007, đứng trước ngôi nhà cổ nhất Phan Thiết, chiếc xe lãng tử và các cô ca sĩ nhí của nhạc sĩ Lê Hoàng Chung.
Phan Thiết là nơi các cậu và mẹ ruột tôi định cư thời thơ ấu. Cậu tôi là ông tổ nghề làm chìa khoá Ba Phước, các anh con cậu tôi hiện là chủ tiệm mắt kính Minh Hùng, Minh Nhã, em tôi đang gánh vác hiệu giày Nam Long. Với tôi, Phan Thiết là quê hương thứ 7 sau Quảng Trị (ông ngoại), Huế (bà ngoại), Hà Nội (ông nội), Quảng Nam (bà nội), Cần Thơ (cha mẹ nuôi), và Sàigòn (nơi tôi gần 50 năm sinh sống). Viết về Phan Thiết, Trần Thiện Thanh và Lê Hoàng Chung tôi có bài thơ đã đăng báo Bình Thuận như sau:
Cố hương
Nàng Tấm xưa
tuy khoác chiếc áo cát vàng óng ánh em vẫn lọ lem
bởi vương nồng mùi cái món thân quen mỗi bữa cơm nghèo không thể nào thiếu được
cùng vết nứt nẻ khô cằn xứ hoang mạc cô liêu
Yêu em chắc chỉ có chàng say trăng Lầu Ông Hoàng lãng bạt
vài kẻ ôm đàn viết khúc nhạc quê hương
hay người lính xa nhà tương tư biển mặn
và những con người một đời uống nước Mường Giang
Rồi cô tấm đã gặp hoàng tử trong một ngày nhật thực
phố bỗng lên thành
áo lụa kiêu sa
như trong mơ muôn lâu đài hiện lên trên triền cát
Mùi nồng xưa chìm lắng giữa hương hoa
Dẫu em thành hoàng hậu ta vẫn tin em là cô Tấm
thông thái thảo hiền vương giả bao dung
chỉ cần em còn giữ lại một vuông nhà cổ
ta mãi thầm thương gọi…
cố hương!
Thu 2009
Thái Thanh Nguyên